
Lược
sử Giáo xứ Bói Kênh
Giáo xứ Bói Kênh có khoảng 3.870 nhân danh thuộc 7 họ giáo là: Đô
Hai, Đô Hai Trại, Vĩnh Tứ, Vĩnh Tứ Trại, Mỹ Đô, Kẻ San, và họ Bói
Kênh. Theo truyền thuyết kể lại thì họ Kẻ San được đón Tin Mừng vào
khoảng năm 1882. Một hôm, cha Bảy từ giáo xứ Đồng Chuối về họ Kẻ San
để làm việc mục vụ. Đi qua đình làng bói Kênh, nơi đây có thờ vị
thành hoàng quý danh là Cao Quang. Lúc đó dân làng đang làm lễ cầu
siêu để tế thần vì trong vùng đang có nhiều dịch bệnh hoành hành và
họ Bói Kênh đã bị dịch tả cướp đi rất nhiều sinh mạng. Trước cửa
đình có một tấm bia đề chữ Hạ Mã (nghĩa là xuống ngựa) Cha Bảy đi qua
không xuống ngựa nên bị toán tuần đinh giữ lại và đem vào đình
để
trình làng. Trước mặt quan viên của làng, cha lên tiếng xin lỗi vì
không rành chữ Hán và các viên chức trong làng bằng lòng cho ngài đi.
Khi tiếp xúc với các cụ trong làng, thấy ai cũng có vẻ ưu tư buồn bã
cha mới lên tiếng hỏi “Các cụ làm gì mà có vẻ buồn rầu vậy?”. Các cụ
mới trình bầy với cha Bảy về hiện tượng dịch tả đang hoành hành dân
chúng trong vùng nhiều năm và cũng cướp đi biết bao người vô
tội.”Chúng tôi chẳng biết làm gì hơn là cầu vị thành hoàng Cao Quang
để ngài ra tay cứu giúp nhưng đã nhiều lần mà không thấy kết quả gì
”. Nghe biết thế, Cha Bảy nói” Tôi có thể giúp các cụ nếu các cụ và
dân làng nghe tôi và tin vào Đức Kitô toàn năng, người có thể làm
được tất cả mọi sự”. Dân làng Bói Kênh lúc đó như kẻ đắm đò vớ được
bè phao. Tất cả mọi người đến gần cha Bảy để nghe cho rõ. Có nhiều
vị đã nói thật lớn tiếng “Nếu Ngài làm được chuyện này, làng tôi sẽ
theo đạo hết luôn“. Lúc đó cha Bảy từ từ nói với dân chúng “Nếu quý
vị tin tôi thì phải làm hai điều:
1, Tin nơi Đức Kitô con Thiên Chúa hằng có đời đời, Người có
quyền năng tuyệt đối và có thể làm được mọi sự cho những ai kính thờ
và Tin theo Ngài.
2, Tuyệt đối giữ vệ sinh; đồ ăn thức uống phải sạch sẽ, đun chín.
Bát đũa và vật dụng dùng để ăn uống đều phải nhúng nước sôi trước
khi ăn...“ Nói vậy rồi cha Bảy làm dấu thánh giá và cầu nguyện ngay
trong đình làng, rồi ngài xin từ giã để xuống làng San xức dầu cho
kẻ liệt. Quả nhiên ít lâu sau dịch tả trong làng hết hẳn như một
phép lạ mà Chúa đã làm trên dân chúng tin và đi theo Ngài.(thời gian
này khoảng năm 1886).
Để giữ danh dự và nhất là Tin lời cầu nguyện của cha Bảy dâng lên
Đức Kitô, dân làng Bói Kênh xin theo đạo hết cả làng không sót một
ai, và bắt đầu rỡ chùa và các nơi thờ Phật chỉ còn để lại ngôi đình
làm nơi sinh hoạt cho cộng đoàn.
Trong không khí hăng say phấn chấn, dân làng góp tiền mua đất làm
nhà thờ. Ngôi Thánh đường được hoàn thành trong một thời gian gắn
bằng vật liệu tre nứa và mái tranh. Đến năm 1910 ngôi Thánh đường
đơn sơ mộc mạc đã được thay thế bằng ngôi thánh đường hiện nay làm
bằng gỗ lim có chạm trổ khéo léo.
Năm 2006 giáo xứ Bói Kênh được bề trên địa phận cử cha Giuse Bùi
Quang Tào về làm cha phó cho miền Phủ Lý và trực tiếp coi sóc giáo
xứ Bói Kênh. Từ đó đến nay mặc dù thời gian chưa lâu nhưng bộ mặt
giáo xứ có sự biến đổi rõ rệt. Đời sống đạo của bà con giáo dân ngày
một tốt hơn, việc học văn hoá, giáo lý, kinh thánh cũng rất được
quan tâm. Các hội đoàn đi vào nề nếp với các hoạt động sinh hoạt
phong phú đặc biệt là giới trẻ và thiếu nhi thánh thể. Dưới sự hướng
dẫn dạy dỗ của cha xứ, tinh thần đoàn kết của mọi thành phần trong
giáo xứ, giáo xứ đã có những chuyển biến rõ rệt rất đáng khích lệ.
Giáo xứ Bói Kênh cũng rất quan tâm đến việc tu bổ xây dựng công
trình nhà thờ, nhà giáo lý. Đã có 3 họ trong giáo xứ xây dựng thánh
đường mới rất khang trang và kiên cố. Họ nhà xứ đang tiến hành xây
dựng khu giáo lý và sắp hoàn tất đưa vào sử dụng.
* Nguồn :
VietCatholic
Chi tiết bổ sung xin gởi về
giaoxugiaohovietnam@Yahoo.com

|