
Lược
sử Giáo xứ Phù Bình
< chưa có >
Chi tiết bổ sung xin gởi về
giaoxugiaohovietnam@Yahoo.com

....................................
Cung hiến
thánh đường giáo xứ Phù Bình
Ba ngày trôi qua kể từ khi tiễn chân Đức Tổng sang thăm giáo phận
Vinh, giáo phận Thanh Hóa lại lặng lẽ trở về với nhịp sinh hoạt quen
thuộc. Ngày cứ qua đi trong cái lạnh của buổi đầu đông. Và hôm nay,
giáo phận lại thêm một tin vui nữa. Có thể để so sánh với biến cố vị
đại diện Đức Thánh Cha sang thăm Việt Nam thì là khập khiễng. Nhưng
với bà con giáo dân giáo xứ Phù Bình (Đông Ninh, Đông Sơn, Thanh Hóa)
thì xuân đã về, khúc nhạc vui đã nổi lên rộn ràng. Ngày 06/12/2011,
đi vào lịch sử của giáo xứ, lịch sử giáo phận với thánh lễ cung hiến
thánh đường Phù Bình: ngôi thánh đường đại diện cho tình hiệp nhất,
cho sự cố gắng của cha xứ và giáo dân, ngôi thánh đường biểu tượng
của đức tin cùng ơn bình an Chúa đã tỏa lan trong ngày đông lạnh giá.
Phù Bình – khúc xuân vui
Sáng nay, ngày 06/12, không gian của buổi đầu đông như thay đổi.
Cũng vẫn là lạnh nhưng không còn buốt giá như mấy hôm trước. Cũng
không có nắng hanh vàng vọt trải dài trên bầu trời. Bù lại, cả không
gian bao phủ bởi một màu hơi nước, trăng trắng. Những hạt mưa bụi
lất phất bay theo không khí, đậu trên tóc như hạt ngọc nhỏ xíu. Nhìn
thời tiết này, ai bảo không phải là mùa xuân. Bước ra đường phố
không khí nhộn nhịp. Người qua người lại với những tấm khăn choàng
quanh cổ. Vài ba cô gái đưa tay hứng lấy những giọt mưa long lanh
một cách dịu dàng. Không biết có phải do ảnh hưởng của “cái khí trời
như xuân ấy” mà suốt đoạn đường đưa tôi đến với Phù Bình, mọi vật
đều trở nên đẹp hơn, tràn đầy sức sống hơn. Cây xanh hơn và cành lá
cũng rung rinh chào đón tôi đi qua.

Ngôi thánh đường khang trang Phù Bình
Xe còn cách Phù Bình hơn ba cây số, một giáo dân với biển chào
chờ sẵn để đón các phái đoàn đến dự lễ. Trông bác như ông đồ ngồi
bên câu đối đỏ vậy, có khác là tấm biển ấy màu xanh.
Và kìa, những đoàn người nối đuôi nhau. Hình như trong đó có
những gương mặt thân quen từ Sầm Sơn, từ Thượng Chiểu, Ba Làng,
Chính Tòa… Để đến được với Phù Bình, họ phải vượt qua hai chặng xe
bus. Và từ điểm xuống xe bus đi bộ vào nhà thờ gần ba cây số. Trong
số đó có cả các bạn trẻ, có cả các cụ già…Và khi xe tôi đi qua, tất
cả quay ra vẫy chào. Trên những khuôn mặt thân thương đó có chút
nắng tỏa ra từ nụ cười rạng rỡ, từ cái nhìn tình cảm … và từ những
con tim cùng chung một đức tin.

Thánh lễ diễn ra lúc 9h45 do Đức cha Giuse chủ sự
với gần 50 cha đồng tế và đông đảo giáo dân tham dự
Trước sân nhà thờ, ô tô, xe máy của quí cha, quí khách cứ nườm
nượp đổ về. Các cha thì trong vòng vây của giáo dân, khách xa gần
gặp nhau tay bắt mặt mừng.
Tiến vào nhà thờ Phù Bình tôi nhận ra sự thân thuộc ở nơi đây. Có
lẽ vì tôi đã may mắn được đến đây và dự lễ ở ngôi thánh đường này.
Cách đây chừng 3 tháng, thánh đường còn thơm mùi vôi mới này đã được
đón người con trở về trong thiên chức linh mục dâng lễ tạ ơn – cha
Phêrô Chu Đình Thiệp.
Phù Bình là một xứ nhỏ với hơn 600 nhân danh. Nhưng nhìn ngôi
thánh đường khang trang, rộng rãi và có phần to lớn này ai nghĩ rằng
đây là một xứ nhỏ. Thánh đường với kiến trúc khá lạ thể hiện sự sáng
tạo của linh mục với ngọn tháp cao vút. Những viên gạch trát nối với
nhau tạo thành một vỏ bọc duyên dáng mà đơn sơ. Bước vào sâu bên
trong thánh đường, tôi cảm nhận thấy ngay một vẻ bình yên lạ kỳ. Bên
trong được trang trí bằng những lớp gỗ, mùa hè mát, mùa đông ấm.
Gian cung thánh được bày trí giản dị làm tăng chiều rộng cho thánh
đường. Từ cung thánh nhìn xuống, khu dành cho cộng đoàn càng dài hơn.
Và từ đây, ngày ngày, người chăn chiên và đoàn chiên, người gieo hạt
giống và cánh đồng truyền giáo xích lại gần nhau trong không gian ấm
cúng, dưới sự bảo vệ của Chúa, của Đức Mẹ Mân Côi bổn mạng…

Đức cha giảng lễ
Thực ra những miêu tả chỉ là khái quát phần nào cái đẹp của nhà
thờ Phù Bình. Cái mà đáng ghi nhận nhất trong thánh lễ hôm nay không
chỉ là cái đẹp bên ngoài, mà còn là vẻ đẹp từ sức mạnh và sự hiệp
thông, đoàn kết của giáo xứ Phù Bình, của Giáo Hội.
Có lẽ cũng chính vì những lý do đó mà trong lòng tôi lại thấy xốn
xang khi nghe tiếng kèn, tiếng trống và tiếng chuông nhà thờ cùng
điểm. Ngày hội, ngày lịch sử, ngày xuân đã về với Phù Bình...
Thánh lễ cung hiến
Cách đây chừng gần một tháng, tôi đã được dự thánh lễ cung hiến
nhà thờ giáo họ Ngọc Đường – giáo xứ Bằng Phú, một thánh lễ cung
hiến trên non cao. Hôm nay, tôi lại có mặt trong một thánh lễ cung
hiến. Ở đâu tôi cũng thấy niềm vui giăng đầy. Thánh lễ cung hiến hôm
nay do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục giáo phận chủ tế.
Hiệp thông dâng thánh lễ cùng Đức Cha, có cha Tổng đại diện Phêrô Vũ
Tiến Phúc và gần 50 cha đến từ các giáo xứ trong giáo phận.
Thánh đường mới chật cứng người. Trong số đó, có
cả những người lương dân, quí khách xa gần…

Nghi thức cung hiến
Nghi thức cung hiến được diễn ra một cách long trọng và trang
nghiêm. Cộng đoàn thing lặng để lắng nghe lời Chúa lần đầu tiên được
vang lên trong thánh đường được cung hiến cho Ngài.
Thánh đường là nơi đặt Mình Thánh Chúa, là nơi Lời Chúa được cất
lên và vang vọng, là nơi mà cộng đoàn dâng lên Chúa lời nguyện cầu
bình an. Ở Châu Âu, tuy không phải là quê hương Chúa sinh ra nhưng
là nơi mà Đạo Kitô phát triển nhất. Thánh đường ở Châu Âu có từ rất
sớm, rất nhiều và đẹp một cách lộng lẫy. Tuy nhiên, với sự sụp giảm
của giáo hữu trong cuộc sống hiện đại, các ngôi thánh đường ở Châu
Âu dần trở nên lạnh lẽo vì giáo dân đến nhà thờ ngày càng ít đi. Ở
Việt Nam thì khác. Giáo dân thích lui tới nhà thờ và ước vọng xây
dựng nhà thờ luôn tiềm tàng trong mỗi người. Nhưng vì điều kiện còn
khó khăn nên mỗi khi xây dựng được ngôi nhà thờ nào, người Việt Nam
chúng ta đều trân trọng. Đó là mồ hồi, là công sức đóng góp của biết
bao người, là sự lặn lội đi xin của các cha...và so với tỉ lệ người
theo đạo thì thánh đường vẫn còn là số ít. Người Phương Tây không
hiểu nên khi chúng ta sang xin tiền xây dựng nhà thờ, họ tỏ ra ngạc
nhiên và nghĩ rằng xây dựng nhà thờ là không cần thiết.
Đó là những chia sẻ trong bài giảng của Đức Cha, cũng là những
trải nghiệm của người khi “vác bị khắp bốn phương xin tiền xây dựng
giáo phận”.

Đức cha, cha quản xứ và đại diện giáo dân giáo xứ
ký quyết định cung hiến
“Đối với người Việt Nam, nhà thờ là trung tâm văn hóa tổng hợp”.
Đó là nơi Chúa ngự đến, là nơi linh thiêng, “bất khả xâm phạm”. Đó
là nơi mỗi người đi qua đều cúi đầu kính bái. Nhà thờ là nơi thể
hiện chí hướng linh mục của các cha. Mỗi lần chuyển xứ đến với miền
đất mới, các cha lại mong muốn thay đổi, xây dựng giáo xứ đó đẹp hơn,
khang trang hơn. Đó cũng là nơi mà tình đoàn kết, chia sẻ, hiệp
thông của giáo hội tỏa rạng. Mỗi người chung tay, người có tiền góp
tiền, người có công góp công. Từng viên gạch, từng thớ gỗ đều có in
dấu của tất cả mọi người. Cũng như ngôi thánh đường Phù Bình này, để
được thành quả như ngày hôm nay là biết bao giọt mồ hôi rơi mặn chát.
Giáo xứ với hơn 600 nhân danh, hai họ lẻ thì một họ có một gia đình,
một họ có hai gia đình, nếu không có mọi người cùng san sẻ thì đâu
có được kết quả như ai cũng thấy. Đức Cha đã công bố con số kinh phí
để xây dựng như sau: hoàn thiện công trình này đã tiêu tốn hơn 1 tỷ
bốn trăm triệu, chưa kể nguồn nguyên vật liệu từ ân nhân xa gần.
Trong đó giáo xứ đóng góp được 117 triệu (chiếm hơn 8%), một ân nhân
cho 200 triệu, còn lại là do cha xứ chạy vạy khắp nơi.

Cha Tổng đại diện đọc quyết định cung hiến
Nói con số thì ai cũng giật mình, nhưng có lẽ cái mà chúng ta
giật mình đó chính là tấm lòng của linh mục. Cha chính xứ Anton
Nguyễn Quốc Tuấn có lẽ cũng chẳng mong người ta nhớ đến con số đó,
cái mà cha hướng đến chính là đền thờ trong mỗi con người. Và có lẽ
xây dựng nhà thờ này còn mang theo niềm hi vọng bé nhỏ của cha, với
khởi đầu là thánh đường khang trang, rồi mai đây Phù Bình sẽ lớn
mạnh hơn, đông đảo hơn và luôn bình an như tên gọi đã chất chứa…

Đức cha và quý cha chụp hình lưu niệm sau thánh lễ
Những lời giảng của Đức Cha còn rất nhiều và ý nghĩa. Nhưng xin
dành lại chút tâm tình để cảm ơn Cha chính xứ, các vị ân nhân xa gần,
bà con giáo dân Phù Bình và tất cả những ai đã góp công cho nhà thờ
Phù Bình. Để rồi giáo phận Thanh Hóa thêm một thánh đường đẹp, rộng,
làm nơi cho đoàn chiên đi về trong ơn Chúa. Nguyện cầu Thiên Chúa Ba
Ngôi thương xem và tuôn đổ hồng ân trên Phù Bình. Cầu xin Mẹ Mân Côi
– bổn mạng, bảo vệ và dẫn dắt Phù Bình ngày một tiến xa trên con
đường tiến về quê Chúa.
Khúc nhạc vui tiếp tục tấu lên lời tạ ơn… mưa bụi nặng hạt… báo
hồng ân đã tuôn đầy…
<
Xem toàn tập hình ảnh >
|