|

Lược
sử Giáo họ Bồng Lai
Giáo họ Bồng Lai có 776 nhân danh, thuộc xã Hưng Trạch, huyện Bố
Trạch, tỉnh Quảng Bình, ở vị trí đầu nguồn của sông Bùng, một chi
lưu thuộc hữu ngạn Nguồn Son – sông Gianh. Đây là vùng đất thuộc
giáo hạt Nam Quảng Bình của giáo phận Huế ngày trước.
Qua bài viết Xứ Đạo Bồng Lai
Nơi Heo Hút Trường Sơn của nhà sử học Dương Kim Sinh, quá khứ
của một họ đạo vào thời xa xưa lại theo sông Bùng trôi dạt về, đó là
họ đạo tên Bùng do linh mục L. Cadière (Cố Cả) khai phá vào cuối thế
kỷ XIX. Ngày ấy, giáo họ Bùng cùng với giáo họ Hà Lời và giáo họ
Chùa Nghe (An Hòa ngày nay) thuộc về giáo xứ Cù Lạc. Năm 1920, cha
Nguyễn Văn Triều rời Cù Lạc về lập xứ và xây dựng nhà thờ tại Hà Lời.
Một ngôi nhà thờ đã từng được dựng lên ven con sông Bùng này. Thế
nhưng, năm 1968, bởi chiến tranh, bom Mỹ đã phá tan hoang, nhà thờ
Bùng bị phá hủy, nhà cửa giáo dân cũng không còn. Lúc này họ Bùng
chỉ có khoảng 20 gia đình, họ dắt dìu nhau tiến vào đầu nguồn để
tránh bom đạn, làm lán trại để cùng nhau kinh nguyện. Hòa bình lập
lại, bà con không về chốn cũ, cùng với nhiều giáo dân thuộc các xứ
đạo trong vùng thung lũng Nguồn Son đến lập nghiệp đã hình thành một
họ đạo mang tên Bồng Lai như ngày hôm nay. Vào những năm chiến tranh
ác liệt, vì đường sá xa xôi cách trở, giáo dân muốn đi lễ phải leo
đèo, lội suối, phải mang theo cơm đùm muối lạc... Trước tình cảnh đó,
cha Phêrô Nguyễn Ngọc Quế, quản xứ Gia Hưng, giáo phận Vinh, đã lập
nên giáo vùng Bồng Lai, thuộc họ Gia Hưng, giáo xứ Gia Hưng.
Ngày 02.10.2005, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã quyết
định cho thành lập giáo họ Bồng Lai, trước đây là một giáo vùng. Họ
đạo Bồng Lai đã gắn bó với giáo xứ Gia Hưng mấy chục năm qua. Thế
nhưng, năm 2010 Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp về coi sóc giáo phận
Vinh, dường Bề trên giáo phận hiểu được sự trăn trở của một đứa con
xa mẹ. Ngày 16.06.2011, ngài đã cho giáo họ Bồng Lai trở về xứ Hà
Lời theo đúng nguyên thủy của nó.
Trích : "Khánh
thành nhà thờ giáo họ Bồng Lai"
Chi tiết bổ sung xin gởi về
giaoxugiaohovietnam@Yahoo.com

..................................

Thánh lễ đặt
viên đá góc xây dựng nguyện đường giáo họ Bồng Lai
10.09.2011
GPVO - Sáng ngày 7 tháng 9 năm 2011, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái
Hợp đã cử hành thánh lễ đặt viên đá góc xây dựng nguyện đường giáo
họ Bồng Lai, thuộc giáo xứ Hà Lời (Quảng Bình), với kích thước chiều
dài là 34,1m và chiều rộng là 15m,1m. Đồng tế với Đức cha Phaolô có
9 linh mục trong và ngoài giáo hạt Nguồn Son (Đồng Troóc) cùng đông
đảo giáo dân hiệp lời cầu nguyện cho công trình của giáo họ.
Cách giáo xứ Hà Lời 17km về phía Tây, số giáo dân hiện có là gần
800 với một ngôi nhà nguyện nhỏ bằng gỗ xiêu vẹo không đủ điều kiện
để làm việc thờ phượng Chúa một cách an toàn và tôn nghiêm, vì thế
nhu cầu cần có một ngôi thánh đường là điều cấp thiết đối với giáo
họ Bồng Lai nơi đây.

Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nguyện đường giáo họ
Bồng Lai hôm nay như nhân lên gấp bội niềm vui trong lòng mọi người,
vì từ nay gần 800 trăm giáo dân ở đây sẽ có nơi để làm việc thờ
phượng Chúa xứng hợp.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô đã đề cập đến những giá trị
cao quý của con người, theo đó “phát triển toàn diện con người luôn
là ưu tiên hàng đầu của Giáo hội Công giáo, vì con người mang một
giá trị vô song và bất khả nhượng. Những giá trị đó được bắt nguồn
từ vị thế độc nhất vô nhị của con người là ánh phản và là hữu thể
đặc biệt của Thiên Chúa, vì thế ‘con người là con đường của Giáo Hội’
(Chân phước Gioan Phaolô II). Trên lộ trình ấy, mọi người đều được
đồng hành, không phân biệt giai tầng xã hội, tôn giáo, dân tộc… tất
cả đều được tôn trọng ngang nhau. Nhưng con người không chỉ có phần
“con” - sinh vật, với những bản năng sống của loài, nhưng còn có
phần “người” sinh động, thiêng liêng “nhân linh ư vạn vật”, như đại
thi hào Nguyễn Du đã nói: ‘Thác là thể phách, còn là tinh anh’. Niềm
tin này được khẳng định mạnh mẽ và nhân rộng nơi Kitô giáo, như
chính lời của Đức Giêsu khẳng định: “Ai tin vào Ta sẽ không chết bao
giờ”. Như vậy, để phát triển toàn diện con người thì không chỉ dừng
lại ở sự quan tâm về đời sống vật chất nhưng cần thăng tiến những
giá trị tinh thần cao cả. Về phía người Kitô hữu, để phát huy những
nét tính cực của giá trị làm người đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng
để thăng tiến những giá trị cao đẹp và giảm thiểu những phần tiêu
cực”.
Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên đồng thời là thánh lễ mừng kính
thánh Giuse Thợ, quan thầy của giáo họ Bồng Lai, Đức cha Phaolô nhấn
mạnh đến ý nghĩa của lao động. Thánh Giuse là mẫu gương cho các bậc
hiền phụ trong gia đình thông qua đời sống chuyên chăm lao động và
cầu nguyện. Công đồng Vatican II dạy: Khi lao động, không những con
người biến đổi sự vật và xã hội mà còn cải thiện chính bản thân mình.
Bởi khi con người học tập, phát triển tài năng thì cũng như thoát ra
và vượt khỏi chính mình. Thoát ra và vượt khỏi chính mình không phải
là tha hóa, mà là để gặp gỡ Đấng vô hình đã dẫn đưa con người đi vào
hiện hữu và trao ban sứ mệnh lao động. Sách Sách thế trình bày Thiên
Chúa tạo dựng loài người giống hình ảnh Người và trong sứ mệnh làm
chủ trái đất, tiếp nối công trình sáng tạo để tô đẹp nơi mình làm
chủ. Vinh quang của con người là sống đúng giá trị của mình, tức là
biết làm việc như Thiên Chúa. Thiên Chúa làm việc để dựng nên vũ trụ
và con người, thì con người cũng phải làm chủ vũ trụ bằng lao động.
Với ý nghĩa đó, Đức cha Phaolô nhắn nhủ tới mọi người trong giáo họ
Bồng Lai hôm nay, “Cần phải biết noi gương thánh Giuse, hăng say lao
động, để cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng
không quan niệm chỉ có lao động cơ bắp mà còn là lao động trí óc, vì
đó mới là động lực và nguồn sức mạnh làm tăng triển đời sống kinh tế
và phát triển xã hội về mọi mặt. Đặc biệt trong nền kinh tế tri thức,
hàm lượng chất xám trong các thành phẩm lao động được coi trọng thì
việc đầu tư và nâng cao dân trí là đỏi hỏi hàng đầu của phát triển.
Vì thế, con em trong giáo họ Bồng Lai cần phải biết học lên cao để
giải phóng khỏi cái vòng luẩn quẩn của cảnh làm thuê ở mướn, một sự
cản trở trong tăng triển đời sống nói chung. Và điều quan trọng, đó
là phải biết biến tên gọi của giáo họ thành hiện thực: chốn Bồng Lai
tiên cảnh”.
Lời cám ơn của ông chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo họ vào cuối
thánh lễ đã giúp mọi người nhìn lại chặng đường lịch sử hình thành
và phát triển của giáo họ Bồng Lai, qua đó như nhắc nhở mỗi thành
viên trong giáo họ về vai trò và trách nhiệm làm người Kitô hữu
trong bối cảnh xã hội hôm nay để dấn thân hơn nữa trong công cuộc
loan báo Tin Mừng.
* Nguồn : Web
Site Giáo Phận Vinh
|
|